loadding

Cơ hội xuất khẩu viên nén gỗ

Theo Control Union Việt Nam, Hàn Quốc đang có nhu cầu nhập số lượng lớn viên nén gỗ từ Việt Nam. Năm 2017 Hàn Quốc nhập khẩu 2,5 triệu tấn viên nén gỗ, trong đó 65% đến từ Việt Nam tương đương trên 1,7 triệu tấn. Dự kiến đến năm 2022, nhu cầu của Hàn Quốc khoảng 5 triệu tấn/năm. Tương tự, nhu cầu nhập mặt hàng này của Nhật Bản từ Việt Nam cũng tăng mạnh, dự kiến đến 5 triệu tấn vào năm 2030 dù cả năm 2017 chỉ nhập khẩu  hơn 500.000 tấn. Những con số này mở ra cơ hội cho ngành chế biến viên nén gỗ trong nước phát triển.

 Số liệu từ Forest Trend cho thấy, trong tổng kim ngạch 8 tỉ USD xuất khẩu của ngành chế biến gỗ năm 2017, viên nén gỗ đóng góp hơn 172 triệu USD và có xu hướng ngày càng tăng. Các thị trường lớn nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc và châu Âu. Việt Nam là một trong các nước xuất khẩu viên nén gỗ nhiều nhất thế giới.

Tại hội thảo “Quản lý rừng bền vững – Viên nén sinh khối tại Việt Nam: Thị trường – Tài chính – Công nghệ”, ông Wouter Van Ravenhorst – Quản lý dự án và phát triển kinh doanh của Control Union Việt Nam nhận định, thị trường viên nén gỗ thế giới tăng mạnh trong vài năm gần đây do kết quả từ các thỏa thuận chung: Hiệp định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris đã đặt các quốc gia đẩy mạnh giảm thải công nghiệp, khí thải nhà kính (GHG) thông qua tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, trong đó viên nén gỗ đóng vai trò quan trọng vì không sinh nhiều khói khi đốt, dễ vận chuyển, giá rẻ. Nhu cầu của Hàn Quốc đặt mục tiêu giảm 37% GHG đến năm 2030 kèm theo những chính sách ưu đãi cho nguồn nguyên liệu năng lượng sinh khối. Nhật Bản cũng đặt mục tiêu giảm 15-18% GHG và năng lượng từ sinh khối viên nén sẽ chiếm 15% nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành điện.

Tuy cơ hội lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn do cả Hàn Quốc và Nhật Bản sắp tới sẽ gia tăng các biện pháp pháp lý nhằm truy xét nguồn gốc viên nén gỗ theo hướng gắt gao hơn để đảm bảo tính minh bạch của nguyên liệu. Hàn Quốc yêu cầu có bên thứ 3 tham gia vào quy trình xác minh các chứng chỉ FSC, GGL, PEFC. Nhật Bản cũng yêu cầu nhà cung cấp phải đảm bảo chứng chỉ GGL, SBP và cả giấy chứng nhận carbon cho sản phẩm viên nén. Nếu giải quyết được các vấn đề này, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì “độc chiếm” thị trường Hàn Quốc và gia tăng tại Nhật Bản.

Theo ông Lê Hoàng Thế - giám đốc điều hành Thúy Sơn Group, chỉ riêng doanh nghiệp này mỗi năm đã cần đến 1 triệu tấn viên nén gỗ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các chuyên gia đánh giá, với giá từ 150 USD có thể lên 700 USD/tấn tùy loại và thời điểm, tuy không có lợi nhuận cao bằng các loại nguyên liệu hóa thạch (than, than đá) nhưng viên nén gỗ vẫn hấp dẫn vì nhu cầu nhiều, thị trường rộng, tận dụng từ các nguồn nguyên liệu phế phẩm trong lâm nghiệp, chế biến gỗ: dăm gỗ, thân cành lá, mùn cưa, đầu mẩu, các loại gỗ phế phẩm… đem lại lợi ích lớn cho lâm nghiệp và sinh kế cho lâm dân.

Đối Tác